ĐÁNH GIÁ CLANNAD AFTER STORY: SIÊU PHẨM ĐẾN TỪ KEY & KYOTO ANIMATION

Tự nhận mình là một fan của Key Visual Art's, nhưng tôi cảm thấy thật mang tiếng khi chưa từng viết một bài nào để ca ngợi, tán dương tài năng của studio này, hay giải thích lý do tại sao tôi lại mến mộ những câu truyện mà Key viết ra đến như thế. Vì thế mà hôm nay sẽ là một bài review lại một siêu phẩm một thời của Key, một tác phẩm đã lấy đi biết bao nhiêu nước mắt của những người đọc Visual novel, cũng như xem phiên bản anime; đồng thời đã mang đến danh tiếng cho Key, sau hai siêu phẩm trước đó là Air và Kanon: đó là Clannad
Lưu ý: Bài viết này chỉ phân tích phần thứ hai của phiên bản anime: Clannad After story. Đơn giản vì không phải ai cũng sẽ đọc phiên bản visual novel ( mặc dù tôi cho rằng phiên bản visual novel xuất sắc hơn ở nhiều mặt), và phần 1 của anime thì hơi.. nhàm.

Tên: Clannad ~After story~ (クラナド アフターストーリー)
Nguyên tác visual novel: Key Visual Art's
Thực hiện anime: Kyoto Animation
Số lượng: 24 tập
Thể loại: Drama, Slice of life, Comedy, Romance, Supernatural
Vietsub: VnSharing Fansub
" Một trong những cột mốc mà có lẽ tôi không bao giờ có thể vượt qua được" - Jun Maeda

I, Cốt truyện và phát triển nhân vật: Hội tụ toàn bộ những tinh hoa của phiên bản gốc

Clannad After story tiếp nối những gì xảy ra ở phần 1 ( theo dòng thời gian của anime ), và kể tiếp những route còn lại của các tuyến nhân vật phụ trong arc School life, trước khi đến với những diễn biến tiếp theo của mạch truyện chính trong arc After Story, là phần được xây dựng kỳ công nhất và cũng là phần cảm động nhất của toàn tác phẩm. Tôi không biết rõ rằng sự phân chia của các route trong clannad phiên bản anime là của Key hay đến từ đội ngũ của KyoAni, nhưng tôi muốn nói rằng họ đã xử lý rất thông minh ở khoản này. Toàn bộ những route của các nhân vật chính ở trong Clannad SS1 theo tôi đều là những route rất.. nhạt; điều này cơ bản đến từ việc tương tác giữa các nhân vật hoặc là không có, hoặc là rất chán do các nhân vật nữ của chúng ta nhạt hơn mức cần thiết ( tôi chỉ có thể hài lòng với Kyou và Tomoyo ). Nhưng tôi nghĩ đây là sự tính toán có chủ đích từ trước, và là một cách làm rất thông mình đến từ đội ngũ kịch bản. Đẩy các phần dở nhất sang SS1 ( thực ra nó chỉ là dở nhất ở trong Clannad, thực chất plot xứng đáng ở mức khá ), thì có nghĩa là chúng ta sẽ được tận hượng những cốt truyện hay nhất ở trong SS2 ( may quá là có SS2).

But not this girl, baby! Please protect this smile!!

Tám tập đầu giải quyết những route còn tồn đọng lại ở trong arc School life: đó là anh em nhà Sunohara, Yukine và Misae ( ngoài ra thì còn có cả thầy Koumura nữa, nhưng nó quá ngắn cho nên.. bỏ qua đi). Điều có thể thấy rõ ràng nhất đó chính là tương tác nhân vật đã trở nên cởi mở hơn rất nhiều, những đoạn hội thoại trở nên sống động hơn chứ không còn bị dừng khựng lại vì " một số nhân vật không biết giao tiếp như thế nào cho hợp lý". Và quả thật là mặc dù cốt truyện của các phần này không có tính drama nặng nề như các phần ở SS1 ( thậm chí có một số route còn hơi cliche), nhưng chính vì khoảng thời gian người xem gắn kết với các nhân vật phụ khiến cho các route này trở nên dễ nuốt và có cảm xúc hơn rất nhiều so với những route trước đó. Tôi thích cái cách mà một Sunohara vốn hay vui tươi và làm trò ngu xuẩn bị dày vò bởi tình thương dành cho em gái và lối sống ích kỷ cho bản thân; thích cái cách bổ sung thêm cốt truyện cho Yukine, để từ đấy cô gái này có thêm đất diễn để thể hiện đấu tranh nội tâm, và thích cái kết trọn vẹn dành cho câu chuyện của Misae, chứ không phải qua Tomoyo arc như trong bản VN nữa. Mọt sự sắp đặt đều trở nên hoàn hảo.
Kết quả hình ảnh cho yukine clannad
Nghe này KyoAni.. các ông vẽ gái thì đẹp lắm.. nhưng đừng bắt bất cứ nhân vật nào của mình sau này có tạo hình giống như Yukine tội nghiệp phải mang đôi mắt như phê cỏ Mỹ này nữa. 

Còn đối với toàn bộ thời gian còn lại là dành cho After story. Đây là cái kết đã được từ việc xây dựng một thế giói kỳ công với quá nhiều tuyến nhân vật, từ những ẩn ý trong từng route của các nhân vật một, và từ sự phát triển của nhân vật chính trong suốt khoảng thời gian trước đó. Arc này chính là chủ để của cả tác phẩm: đó là mối liên kết giữa con người với con người. Con người có khả năng cứu rỗi lần nhau chính bởi vì sự bền chặt trong những mối liên kết đó, và chính những liên kết đó biến ngay cả những người xa lạ cũng trở thành gia đình. " Gia đình" chính là từ khóa của Clannad, nó là nơi mà những mâu thuẫn xảy ra để dẫn đến câu chuyện, là thứ mà nhân vật chính đạt được sau khi đã gắn chặt được mối liên kết với những con người khác, nhưng cũng là thứ đã hủy hoại tâm hồn nhân vật chính, đưa anh vào trong hố sau tuyệt vọng, để rồi tìm thấy sự cứu rỗi một lần nữa, và biến nó trở thành phép màu. "Kể cả thế giới kia có đổi thay, và những đổi thay đó chỉ toàn những điều bất hạnh, thì chỉ cần con người còn giữ được sự gắn kết với nhau, thì chính họ sẽ có sức mạnh để giải thoát mình khỏi sự đau khổ đó, thậm chí tạo ra phép màu để đảo ngược bất hạnh", đó là những gì mà cả Jun Maeda và đội ngũ của Key muốn nhắn nhủ  trong những giây phút cuối cùng vô cùng cảm động của Clannad. Yếu tố gia đình ở phút chính là thứ khiến cho Clannad trở nên khác biệt so với tất cả những bộ romance-drama nào khác, khiến cho cao trào dễ khiến người xem xúc động hơn, và có lẽ đó là lý do mà Clannad vẫn được những người đã từng trải nghiệm qua đánh giá cao đến vậy.
Kết quả hình ảnh cho orbs of light clannad
Orbs of light. Một vật rất quan trọng trong cốt truyện, nhưng cũng có ý nghĩa hình tượng rất lớn.

II, Bản chuyển thể xuất sắc đến từ Kyoto Animation

Thực ra chẳng cần đến phần 2 của anime, ngay từ lúc chứng kiến cái scene Ushio chạy trên cánh đồng hoa ở OP SS1 thì tôi đã chẳng thốt lên lời được nữa rồi. Tuy nhiên, SS2 còn khiến mọi thứ trở nên lung linh hơn trước nữa; rõ ràng thấy nhất là màu sắc đã trở nên đậm hơn, và độ sắc nét cũng trở nên cao hơn, khiến những đoạn thuần 2D và kết hợp 2D-CGI trở nên không quá khác biệt nhau nữa. Biểu cảm của nhân vật trở nên tốt hơn, các nhân vật nữ trở nên quyến rũ lạ thường ( mà thực ra là chuyện bình thường với hàng của KyoAni). Đặc biệt tôi thích những cảnh mang nặng tính điện ảnh (tiêu biểu là những phân đoạn rung camera ở góc nhìn người thứ nhất trong cực kỳ ảo diệu, hay việc tận dụng CGI để tạo ra cái hiệu ứng màu sắc cho khung cảnh thêm tính lung linh). Độ chi tiết của phần background thật sự rất đáng nể; KyoAni có thể tự hào vì mình đã tạo ra một scene mang đầy tính hoàn mỹ như là scene cánh đồng hoa ở gần cuối của bộ phim. Kể cả bây giờ, 10 năm sau khi được ra mắt, After story vẫn có thể nằm ở trong mức khá về hoạt họa, hoàn toàn không thua kém gì một số tác phẩm bây giờ ( e hèm.. Go-toubun.. khụ.. khụ..) và làm giảm trải nghiệm của cả tác phẩm cả. Dù bạn có từng đọc VN hay chưa thì phiên bản anime này cũng vẫn sẽ cho bạn một trải nghiệm mới lạ và độc đáo.

III, Âm nhạc: hay, hay là không hay?
Nỗi buồn, sự mơ hồ, và cảm giác hoài niệm có lẽ là những từ ngữ chuẩn xác nhất để miêu tả cảm xúc của tôi khi nghe lại bản soundtrack này ( ừm, nếu mà đặt nó làm tên bản nhạc thì nghe có vẻ hay hơn cả tên gốc đấy :v )

OP của After story thực sự tuyệt vời, sự kết hợp đến chuản xác tuyệt đối giữa chuyển đổi các scene và kết thúc ô nhịp đã đủ khiến bất cứ ai cũng phải trầm trồ chỉ trong vài giây đầu tiên ( mặc dù sau này thì có Angel Beats đã làm quá tốt ở khoản này ). OP thực sự mới lạ và rất bắt tai, những người đọc quan VN chắc hẳn cũng có chung một cảm nhận như tôi. Nhưng tôi nghĩ đó là phần mới lạ duy nhất trong toàn bộ tác phẩm. Bộ soundtrack của phiên bản anime vẫn giữ nguyên và hầu như không thay đổi gì nhiều so với phiên bản visual novel ( một số bản nhạc đã được arrange lại, tuy nhiên vì chúng đã được thể hiện trước đó ở SS1 nên cũng không còn gì mới lạ nữa). Tuy nhiên, vấn đề lại xuất phát từ đây. Những bản soundtrack vốn được thiết kế cho VN nhằm khiên người đọc có thể đọc trong một scene khoảng 10-12' mà không cảm thấy chán, hay nói cách khác, là soundtrack trong VN được làm rất dài, với phẩn intro được mở đầu lê thê, và cao trảo thường một lúc rất lâu mới xuât hiện. Nhưng anime thì không thể làm như thế được, một scene trong anime cùng lắm chỉ được phép tồn tại tối đa trong khoảng 2-3', và đó là chứng đấy thời gian để soundtrack tỏa sáng. Rõ ràng là điều đó không thể xảy ra được với Clannad, và hầu như là các soundtrack bị lược bỏ rất nhiều.
Một chi tiết nhỏ và là trải nghiệm cá nhân của tôi, ở scene cuối cùng của Sunohara route, tôi nhớ rất tõ là thay vì cảm động, thì tôi lại bị chìm trong sự khó hiểu bởi việc đặt soundtrack vào scene đấy ( Roaring tide có hai phiên bản, và tôi nhớ không nhầm thì họ lại chọn phiên bản vui tươi hơn để lắp vào cái scene đó). Bản thân Key cũng từng nói rằng là một cốt chuyện đủ tốt + âm nhạc hợp lý mới có thể lấy được nước mắt của người xem, nhưng mà họ làm có vẻ hơi.. fail ở Sunohara route. Sunohara route là một trong những route tôi cực kỳ thích, và thật sự tôi cảm thấy hơi tiếc bởi chỉ vì một cái soundtrack như vậy mà ảnh hưởng đến cả trải nghiệm tổng quan của tôi.

IV, Một số chi tiết tôi không thích
Tại sao, KYOU ROUTE CỦA TÔI CHỈ ĐƯỢC LÀM CÓ MỘT TẬP, hả KyoAni, trong khi CÁC ÔNG CÓ HẲN MỘT TẬP OVA ĐỂ RECAP. Tôi có thể tạm bỏ qua vấn đề này vì ít nhất thì một cái OVA còn lại cũng có sự xuất hiện của Kyou. Nhưng một vấn đề khác là, họ còn có thể làm tiếp AKIO VÀ SANAE ROUTE trong 2 tập được mà. Tôi nhớ Clannad kết thúc ở tập thứ 22, tức là nếu đúng chuẩn thì họ còn thừa 2 tập nữa, và quả là phí phạm khi 2 route rất rất hay của Akio và Sanae lại không được xuất hiện trong màn ảnh. Thôi thì buồn, nhưng không biết phải làm sao..
Nhân tiện, đang trong đà ích kỷ, mặc dù tôi biết giờ các công ty hoạt họa cũng còn phải xem xét yếu tố thị trường, nhưng tôi cũng muốn Tomoyo after có cho mình một phiên bản anime ( cá nhân tôi còn thích Tomoyo after hơn cả Clannad, chắc với tôi càng nhiều romance thì tôi càng thích )

Tổng kết: Khi bạn đang viết về một tác phẩm hay toàn diện thì có lẽ chẳng cần phải viết nhiều để thuyết phục người khác hãy xem nó. Đây là một siêu phẩm. Nếu bạn chưa xem, hãy cứ tưởng tượng đến câu chuyện cảm động nhất mà bạn nghĩ ra, nhân nó lên với 6 ( đơn giản vì có 6 route trong phần này), và bạn sẽ có Clannad After story.
Đánh giá
Cốt truyện: 1,9/2,0
Nhân vật: 1,7/2,0
Hình ảnh: 1,9/2,0
Âm thanh: 1,5/2,0
Mức độ thưởng thức: 2,0/2,0
Tổng kết:  9,0 ( tuyệt vời )


P/s: Chúng ta cùng đến với chuyên mục thường ngày đối với những tác phẩm có nhiều nhân vật nữ: Đi tìm waifu. Và lựa chọn của tôi chính là:
Kết quả hình ảnh cho kyou fujibayashi
Có chút máu tsun, nhưng lại là người có tính cách dịu dàng và nữ tính hơn bất cứ ai trong dàn nhân vật nữ của Clannad, Kyou Fujibayashi xứng đáng là best waifu mà ai cũng nên có ( với lại mái tóc dài cuốn hút vãi cả ra các ông ạ)

Bài đăng phổ biến từ blog này

ĐÁNH GIÁ ANGEL BEATS: MỘT TÁC PHẨM TỐT, NHƯNG CHƯA THẬT SỰ HOÀN HẢO

ĐÔI LỜI TẢN MẠN VỀ OREGAIRU

ĐÁNH GIÁ SUBARASHIKI HIBI: HÀNH TRÌNH TÌM KIẾM NHỮNG NGÀY THÁNG TUYỆT VỜI