ĐÔI LỜI TẢN MẠN VỀ OREGAIRU
Xin lỗi mọi người, đã quá lâu rồi kể từ lần cuối tôi đăng một
cái gì đấy lên trên cái dead blog này (hình như bài đăng gần nhất cách đây nửa
năm trước). Lý do chủ quan thì do tôi lười, còn lý do biện hộ.. à nhầm khách
quan thì có quá nhiều thứ mà tôi cần phải đặt ưu tiên giải quyết lên trên việc
viết blog (như chơi Sekiro và Final Fantasy XV chẳng hạn...
xin lỗi mọi người).
Có một lý do khác để tôi không viết nhận xét hay cảm xúc của
mình về bất cứ tựa game, anime hay novel nào (mà hình như cả năm qua ngoài 3 thứ
đấy ra tôi không đả động tới bất cứ nội dung nào khác). Đấy là, hoặc chúng quá
khó để tôi dám viết ra mà không bị cộng đồng fandom cho ăn gạch (Evangelion,
Nier: Automata, Cowboy Bebop,..); hoặc là chúng chỉ tạo ra cảm hứng nhất thời
cho tôi, chứ không đủ để thúc đẩy tôi dành hàng giờ để viết một bài viết nào đấy.
“H2O - Footprints on the sand” là một ngoại lệ (Sca-ji vạn tuế), nhưng chất lượng
bài viết đó thực sự tệ vì ham muốn hoàn thành trong một khoảng thời gian ngắn của
tôi, dẫn đến việc sự tồn tại của nó đã chấm dứt bởi tổ hợp Shift + Delete.
Nhưng với tác phẩm này thì khác…
![]() |
Không liên quan lắm, nhưng giờ tôi mới nhận ra là tôi viết phần mở đầu này dài hơi quá đáng.. |
Tôi đã đồng hành cùng với Yahari ore no seishun lov..
Oregairu trong hơn 1 năm trời ( hoàn thành hết 2 phần anime, bị cuốn hút bởi
không khí của nó, rồi tìm đọc phiên bản light novel, nhận được tin có season 3
trong vui sướng vì số mình đỏ vl, không phải chờ đợi một khoảng thời gian dài dằng
dặc để đợi phần tiếp theo như nhiều người khác). Và phải thú thực rằng, hiếm có
một tác phẩm nào lại có thể mê hoặc tôi đến như vậy.
Tôi có sự đồng cảm mạnh mẽ với Hachiman, vì bản thân tôi
cũng là một người có cách nhìn “hơi thiếu lạc quan” về cuộc sống này ( “mọi hành
động của con người đều xuất phát để phục vụ chính họ” là suy nghĩ chủ đạo trong
cách nhìn thế giới của tôi, và hiển nhiên là nó không được “tươi đẹp” cho lắm).
Tôi ngạc nhiên trước sự chân thực của các nhân vật, trước những biến đổi rất nhỏ
và chậm rãi trong tính cách của họ, để rồi khi đọc lại tiểu thuyết, tôi giật
mình khi thấy dàn nhân vật trước kia đã từng có tính cách như thế này, hành động
theo cách này… Tôi thích cái cách mà cùng với sự thay đổi của nhân vật, những
góc khuất trong tính cách của họ cũng dần hiện ra, và từ những góc khuất đó xuất
hiện những nút thắt mới trong cốt truyện theo một cách mà ai cũng phải bất ngờ.
Và tôi yêu cái cách mà khi nhìn lại mọi nút thắt đó, tôi nhận ra rằng chúng đều
là những vấn đề rất quen thuộc mà bất cứ ai cũng đã trải qua, nhưng được trình
bày dưới một góc nhìn thật nghiêm túc, thật kỹ càng (và cũng thật vô vọng) của Wataru
Watari. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều chỉ để có thể diễn đạt những lời văn trên (
thậm chí có những điều chỉ được tôi diễn đạt ra từ 3-4 hôm trước, và có những
điều tôi sẽ không thể viết ra được trong bài viết này). Và tôi chợt nhận ra rằng
câu hỏi mà tôi đã tự hỏi mình đó sẽ là một cách tuyệt vời để mở đầu bài viết này:
“Có một thứ gì đó ở Oregairu cuốn hút mình, nhưng bởi một lý
do nào đó, mình không thể nói được ra nó.
Chính xác hơn, là mình không hiểu về điều đó, nên không thể nào nói ra được..”
![]() |
"Điều đó" là gì? |
1. MỐI LIÊN KẾT CỦA CON NGƯỜI, VÀ CẢ NHỮNG SAI LẦM
Quay trở lại hơn 1 năm trước, vào thời điểm mới hoàn thành season 2 của anime Oregairu, thứ đầu tiên tôi thốt lên không phải là những lời tán dương, cũng chẳng phải những lời xúc phạm miệt thị mà tôi thường dùng khi đụng phải 1 tác phẩm dở, mà tôi tự hỏi rằng: "cuối cùng thì thứ này muốn nói về điều gì". Đó có lẽ là lần đầu tiên mà có một tác phẩm khiến tôi mơ hồ khi nghĩ về chủ đề của nó ( về sau thì tôi hiểu ra rằng đây là vấn đề của phiên bản chuyển thể, tôi sẽ đề cập kỹ hơn ở đằng sau). Trong suốt quãng thời gian đọc phiên bản tiểu thuyết, bằng việc cố gắng tìm điểm chung giữa những tập, tôi có thể diễn đạt được chủ để đó bằng 5 6 câu văn. Nhưng tôi thừa hiểu rằng cốt lõi của một tác phẩm nghệ thuật chỉ nằm gọn trong vài từ ngữ ngắn gọn, do đó đấy không phải là câu trả lời đúng. Và gần đây thì tôi đã tìm kiếm được câu trả lời, thật đơn giản làm sao khi chủ đề của nó nằm ngay ở tiêu đề tác phẩm. Chắc chắn không phải là “chuyện tình thanh xuân bi hài”, vì nếu coi Oregairu là một tác phẩm tình cảm, thì nó xứng đáng được coi là một tác phẩm thất bại. Và đúng như tiêu đề, Oregairu là câu chuyện về khát khao được kết nối với con người, và cả những "sai lầm" được sinh ra từ khát khao đó.
Hachiman vốn là một kẻ cô độc, và quyết chọn cho mình lối sống cô độc đó bởi vì những mối quan hệ giữa người và người xung quanh, theo cậu, đều là những mối quan hệ hời hợt và được dựng lên bởi sự ích kỷ của con người. Và Hachiman thà chấp nhận cuộc sống bị xa lánh, kỳ thị bởi những người xung quanh, còn hơn là phải cố gắng giả tạo chỉ để được người khác quan tâm, chấp nhận bản thân mình. Đấy là lý do mà trong suốt cả bộ truyện, trong những đoạn tự thoại của mình, cậu luôn nhìn thế giới dưới ánh mắt khinh bỉ, coi thường, thậm chí là đã có những lần Hachiman chọn cách "sửa chữa" những mối quan hệ của người khác theo lý tưởng đó ( như cách cậu định chia rẽ nhóm bạn đã cô lập bé Rumi, mặc cho nguyện vọng của Rumi là được quay lại với nhóm bạn đó; việc cậu quyết định chấm dứt mối quan hệ với “cô gái tốt” Yui sau khi biết được Yui là người đã vô tình gây ra tai nạn cho Hachiman, và việc Yui kết thân với Hachiman là biểu hiện của sự thương hại; và cả việc thất vọng khi phát hiện ra việc Yukinoshita đã giấu diếm chuyện cô ở trên chiếc xe gây ra chính tai nạn hôm đó).
Những quyết định đó không hề sai, vì chẳng ai mong muốn những mối quan hệ xung quanh mình chỉ được khơi gợi lên từ những sự dối trá cả. Nhưng, đồng thời chúng
cũng chẳng hề đúng một chút nào, bởi dù cho mối quan hệ đó có hời hợt đến mức nào, những mối quan hệ có dối trá đến đâu đi chăng nữa, thì cũng không có ai sẵn sàng đạp đổ đi những mối quan hệ của mình cả ( đó là lý do mà Rumi sẵn
sàng tha thứ cho những người bạn của mình, dù cho chính họ đã làm tổn thương bé
đi chăng nữa ). Vì ai cũng sợ hãi mất đi những thứ mình đang sở hữu, và còn
đáng sợ hơn nữa khi thứ mình mất chính là mối quan hệ giữa người và người. Việc
bỏ qua cảm xúc của người khác, bất chấp làm việc theo lý tưởng của mình đã vô
tình khiến cậu hoặc trở thành kẻ xấu trong mắt tất cả mọi người, hoặc tự huỷ hoại
đi những thứ mình đang có. Kết quả của những công việc mà Hachiman thực hiện đều
đúng với mục đích ban đầu của câu lạc bộ Tình nguyện, nhưng cái giá phải trả
luôn là việc cậu tự làm tổn thương mình. Cái cớ rằng vì mình là một kẻ cô độc
nên việc mình tự làm hại bản thân chẳng ảnh hưởng đến ai chỉ càng củng cố thêm
việc thiếu thấu hiểu cảm xúc người khác của 8man.
Đó là khi 8man nhận ra sai lầm đầu tiên của mình và sửa sai
nó: “Không áp đặt tư tưởng của mình lên những người khác nữa”.
Nhưng sửa chữa sai lầm không đồng nghĩa với việc không tiếp
tục mắc thêm những sai lầm nào nữa...
Có một ranh giới rất mong manh giữa việc không ép người khác
tuân theo lý tưởng của mình, và tự mình xoá bỏ đi lý tưởng của chính mình. Đó
chính là vực dốc mà Hachiman đã tự lao mình xuống, và điều đó lý giải cho sự
thay đổi hành vi của cậu trong nửa sau của Oregairu. Từ việc không chấp nhận sự
hời hợt, giả dối trong những mối quan hệ, 8man bắt đầu cho phép điều đó xảy ra
( cụ thể là mối liên kết giữa những thành viên trong nhóm bạn của Hayato, cũng
một phần do thói quen hy sinh bản thân mình của Hachiman nên đã hành động trái
theo lý tưởng của mình ). Để rồi sau đó chính cậu tự biến mình thành một người
hoàn toàn khác: nói dối Yukinoshita, tự mình hành động một mình để ngăn Yukino
trở thành hội trưởng hội học sinh, để cô không phải từ bỏ vị trí trong câu lạc
bộ. Và đó là khi mà mối quan hệ giữa thành viên trong câu lạc bộ tình nguyện trở
nên khác lạ ( ít nhất thì không lạ so với cách Hachiman mong muốn). Yui thì chấp
nhận việc lừa dối Yukino để câu lạc bộ mãi là nơi của 3 người họ, Hachiman thì
luẩn quẩn trong vòng tròn lý tưởng và hành động, còn Yukino thì mắc kẹt giữa việc
không muốn khiến người khác phải lo lắng đến mình và mong muốn được gắn kết với
2 người bạn của mình, khiến cô chẳng thể làm gì cả và phó mặc mọi thứ cho
Hachiman. Những điều dối trá dần hiện lên, và với nỗi sợ không muốn mối quan hệ
cậu đang có biến thành 1 sự dối trá, Hachiman đã quyết định muốn biết những điều
“chân thật”.
Tôi sẽ không nói quá nhiều về cách mà nền công nghiệp anime đang vận hành, mà để cho dễ hiểu thì bạn hãy hiểu rằng vốn để sản xuất ra đa phần anime hiện nay thường đến từ nhiều đối tác khác nhau như nhà xuất bản tiểu thuyết gốc, hay các công ty sản xuất figure. Và theo một lẽ dĩ nhiên, nếu anime thành công thì nó sẽ kích thích ngược lại doanh số bán các sản phẩm liên quan đến anime đó, và các công ty trên sẽ là người hưởng lợi nhiều nhất. Nhưng tác động xấu của cách làm anime kiểu này mà chúng ta có thể thấy rõ nhất hiện nay, đấy là sự xuất hiện của quá nhiều anime trong 1 khoảng thời gian, nhưng chất lượng thì đa phần đều.. tầm thường. Số lượng anime nhiều, dẫn đến vốn cho 1 anime riêng lẻ ít, dẫn đến số lượng tập cho 1 anime ít. Và để đảm bảo rằng anime ít nhất phải có một kết thúc tạm ổn, chúng ta bắt gặp một hiện tượng là rush nhịp độ, bỏ qua tình tiết, chất lượng hoạt hoạ giảm sút.
Ước muốn của Hachiman, dù vốn thật viển vông, dù vô cùng ích kỷ, nhưng nó chính là thứ mà một kẻ cô độc như cậu mong muốn. Nếu được biết tất cả những ý nghĩ chân thành của đối
phương, thì hiển nhiên mối quan hệ giữa họ sẽ trở thành một mối quan hệ “thực sự”
đúng nghĩa: không giả dối, không hời hợt. Tuy nhiên, nếu chọn lựa chọn này, thì
cũng đồng nghĩa với việc “họ” sẽ chẳng còn là “nhóm bạn 3 người” nữa. Vì ngoài
thứ khát khao rằng 3 người sẽ mãi tồn tại như thế này thì sâu trong mỗi nhân vật
còn tồn tại một thứ tình cảm khác, và thứ tình cảm này không cho phép khát khao
ban đầu được trở thành sự thật. Cuối cùng thì vẫn có một người sẽ phải đau khổ
vì quyết định này.
Mắc phải sai lầm, hối hận khi nhìn ra sai lầm, sửa đổi sai lầm, vấn đề được giải quyết, nhưng rồi một vấn đề khác xuất hiện do chính hành động sửa
sai của mình, và một sai lầm mới sinh ra... Cái vòng tròn luẩn quẩn này cứ tiếp
tục trong suốt tác phẩm này, và khi nghĩ lại thì cái vòng tròn đó luôn hiển hiện
trong cuộc sống của mỗi người, chứ không riêng gì những nhân vật tiểu thuyết.
Tôi chắc chắn rằng, tất cả những người đang đọc bài viết này
cũng phải tự dằn vặt mình một lần khi làm sai một điều gì đó, và tự hỏi những
câu hỏi kiểu như: “Nếu như mình chọn cái này thay vì cái kia, thì liệu mọi chuyện
sẽ khác?”
Tôi không biết có phải do lối suy nghĩ "không được tích cực lắm" về cuộc sống của tôi, hay đây chỉ là một câu châm ngôn tôi đọc được ở đâu đó mà tôi đã quên mất tác giả của nó, nhưng đây là câu văn vẫn luôn thường ngày lởn vởn trong tâm trí tôi:
“Không có lựa chọn dẫn đến kết thúc tốt và xấu, kết cục chỉ có tệ hoặc tệ
hơn...”
Có lẽ rằng, học cách chấp nhận rằng không có một kết cục như
mơ nào tồn tại trên đời, sai lầm vẫn sẽ luôn diễn ra, và chỉ có những thứ chân
thành mới khiến chúng ta vơi bớt cảm giác tội lỗi mới chính là bài học mà Wataru
Watari gửi gắm.
2. ANIME VÀ CÂU CHUYỆN CHUYỂN THỂ TIỂU THUYẾT
Không thể phủ nhận rằng phiên bản anime của Oregairu là một
anime chuyển thể tốt, ít nhất là nó đủ tốt để thuyết phục tôi đọc nguyên tác tiểu thuyết.
Hình ảnh ổn, phần 1 thì nổi bật ở gam màu tươi sáng, background chăm chút; còn
hậu bản thì cuốn hút tôi ở tạo hình nhân vật giờ đã đẹp hơn rất nhiều: đôi mắt
có chiều sâu hơn, ngôn ngữ cơ thể được thể hiện chi tiết, tông màu bớt sặc sỡ
đi, nhưng nó tạo cảm giác chân thật cũng như một bầu không khí ảm đạm mà chính
xác là thứ cần có ở season 2 này . Âm nhạc hay, vẫn như truyền thống của MONACA:
không tạo ra những bản nhạc xuất sắc nhất, mà luôn tạo ra những bản nhạc hợp với
khung cảnh và tâm trạng nhân vật nhất. Tôi đặc biệt thích những bản
soundtrack đơn giản (từ số lượng nhạc cụ cho đến giai điệu) được trình bày
trong Oregairu. Không có phàn nàn gì về dàn lồng tiếng của phiên bản anime
này cả, tôi nghĩ phim đã có được dàn seiyuu hoàn hảo nhất có thể, thậm chí có
thể nói một vài nhân vật trong tác phẩm này sinh ra chỉ để dành cho các diễn viên lồng tiếng trong dàn cast này. Nếu chỉ xét trên phương diện
nghe nhìn, thì thật sự Oregairu xứng đáng được coi là một tác phẩm tốt. Nhưng nếu
bạn đã đọc qua tiểu thuyết và quay lại xem phiên bàn anime này, thì vấn đề rõ
ràng nhất bạn có thể nhìn ra được chính là cách mà anime này truyền tải nội
dung đến với người xem.
![]() |
Cá nhân tôi vẫn đánh giá cao những gì feel. mang đến trong khâu tạo hình nhân vật và hoạt hoạ hơn là Brain's Base |
Oregairu phiên bản anime là một câu chuyện có đầu, có cuối,
có thể tóm tắt được nội dung của nó một cách dễ dàng và ăn khớp với phiên bản
tiểu thuyết, thế nhưng điểm yếu chí mạng của nó lại nằm ở sự kết nối giữa người
xem và nhân vật trên màn ảnh. Để cho dễ hiểu thì các bạn hãy tưởng tượng như thế
này: bạn đang ở giữa một dòng sông, quang cảnh 2 bên đẹp, thứ âm thanh thiên nhiên
(hay gọi theo ngôn ngữ tiếng Anh sang chảnh thì là ambient sound ) làm bạn thoả mãn, bạn
thư giãn trên dòng sông đó, nhưng điều kỳ lạ là bạn không cảm nhận được dòng chảy
của con sông đấy, và cho đến khi bạn nhận ra là mình đã tới một quang cảnh hoàn
toàn khác thì bạn không hiểu là mình đã đến đây bằng cách nào, hay con sông đã
đưa bạn đi theo hướng nào. Đó chính xác là những gì tôi đã cảm nhận được khi xem
anime lần đầu tiên với Oregairu, và chỉ khi đọc tiểu thuyết thì tôi mới có thể
giải thích nó một cách chính xác bằng ngôn từ. Bạn biết 8man là một thanh niên
cô độc, có cách nhìn tiêu cực về cuộc sống, và luôn giải quyết những vấn đề của
người khác theo một cách độc dị mà trông qua thì khá là “ngầu”. Nhưng mọi chuyện
cũng chỉ đến thế, bạn không cảm nhận được sự thay đổi tâm lý của 8man, cho đến
khi sang những tập đầu của season 2 thì bạn bất ngờ trước sự thay đổi trong lý
tưởng của 8man (còn tệ hơn thì bạn sẽ vẫn cảm thấy là chẳng có gì thay đổi cả,
và anh 8man vẫn cứ thông minh và ngầu lòi như bình thường ). Nhân vật có nói một
số câu thoại khá là “triết lý “ để bộc lộ thế giới quan, nhưng khi nói xong thì
gần như chẳng ai hiểu là nhân vật vừa nói gì (ít nhất thì bạn vẫn có thể hiểu nếu
như tua đi tua lại đoạn đấy và cố gắng hiểu), và cứ dần dà như thế bạn bị mất kết
nối với nhân vật. Không phải Oregairu là tác phẩm duy nhất mắc phải vấn đề này,
một số tác phẩm anime chuyển thể có hơi hướng “triết học” và “lý tưởng” đều cũng xảy
ra những lỗi như thế ( 1 ví dụ đơn giản là những anime chuyển thể tiểu thuyết của Kinoko Nasu,
dù cho có hay không có Ufotable đứng ra đảm nhận ). Để giải thích được nguyên
nhân của những vấn đề này thì đó là do sự sai khác trong cách chúng ta tiếp nhận
2 loại hình nghệ thuật khác nhau là tiểu thuyết và phim ảnh; còn với riêng trường
hợp của Oregairu thì đó còn là mục đích của phiên bản chuyển thể ngay từ khi
còn nằm trên giấy tờ.
Khác với Oregairu, lý tưởng của Archer trong UBW được bộc lộ trước khi mọi nút thắt trong cốt truyện được cởi thắt, thành thử dù bạn có tua đi tua lại bao nhiêu lần scene này đi chăng nữa thì cũng sẽ vẫn không hiểu được nội tâm của Archer
Tiểu thuyết, với đặc tính thể hiện nội dung thông qua một
phương pháp duy nhất là chữ viết, khiến dung lượng của nó trở nên rất dài. Và
việc đọc tiểu thuyết cũng phải tiến hành theo cách chúng ta đọc nhỏ từng đoạn rồi
dừng lại, nghỉ một thời gian, và dành thời gian đọc tiếp. Chúng ta, người đọc,
hoàn toàn có thể quyết định được tiết tấu và dung lượng nội dung mà chúng ta tiếp
nhận trong một khoảng thời gian. Hay nói cách khác, suy nghĩ, tư tưởng của nhân
vật hoàn toàn được tác giả thêu dệt nên mà không có bất kỳ giới hạn nào về mặt
dung lượng; và người đọc được phép dành ra nhiều thời gian để suy ngẫm, phán
đoán về nội tâm và hành động tiếp theo của nhân vật mà không làm mất đi trải
nghiệm cá nhân.
Nhưng với phim ảnh nói chung, mọi thứ có hơi khác. Đạo diễn
truyền tải nội dung bằng những công cụ mới là hình ảnh động và âm thanh, và
phim ảnh bắt đầu xuất hiện đôi nét khác biệt trong việc tận dụng những công cụ
của riêng nó để truyền tải nội dung: nội tâm nhân vật được bộc lộ chủ yếu thông
qua cử động, ngôn ngữ cơ thể của chính nhân vật đó, và cách họ tương tác với những
nhân vật khác nữa. Dĩ nhiên là phim vẫn có thể dùng chính lời độc thoại của
nhân vật để phát triển nhân vật như cách thông thường của văn học, nhưng cách
làm này không được phép sử dụng quá nhiều do được coi là không tận dụng triệt để
thế mạnh mà phim ảnh có ( chúng ta thường gọi nó với cái tên là Show don’t tell
). Khán giả, lúc này được gọi là người xem, đã có nhiều giác quan được kích
thích hơn trước, khiến cho việc thưởng thức một tác phẩm trở nên “đã” hơn, “sướng”
hơn. Nhưng bù vào đấy, cái giá phải trả chính là họ không còn quyền kiểm soát
dung lượng nội dung mà họ thu nhận vào trong một khoảng thời gian nữa, mà điều
đó sẽ được quyết định bởi đạo diễn. Bạn cũng không còn quá thoải mái khi muốn
tua đi tua lại 1 trường đoạn nào đấy trong phim ( đặc biệt là phim chiếu rạp hoặc
TV ), vì khi đó bạn sẽ phải cân nhắc việc trải nghiệm của bạn bị gián đoạn (như
việc đang chứng kiến một góc máy tuyệt đẹp ghi cảnh chuyển động của nhân vật,
hay một bản soundtrack du dương đang vang lên giữa chừng). Hệ quả là việc bạn cố
gắng thấu hiểu một tác phẩm điện ảnh sẽ tốn công sức hơn, và kể cả dành nhiều
thời gian để thấu hiểu nó thì hàm lượng kiến thức nó mang lại chưa chắc đã nhiều
như một tác phẩm văn học.
Oregairu vốn đã là một tiểu thuyết
khó để hiểu, không phải như Bakemongatari là khó vì lối chơi chữ dẫn đến khó đọc,
mà bởi cách viết mập mờ của Wataru Watari rất khó khiến người đọc hiểu được suy
nghĩ và tâm trạng của nhân vật (đa phần là 8man). Những câu chữ không chỉ đích
danh ai, lại còn viết theo phong cách trừu tượng hoá, khiến mọi người phải mất
rất nhiều thời gian đọc đi đọc lại để suy ngẫm, phán đoán xem nhân vật đang cảm
nhận điều gì, nói tới ai, muốn truyền đạt thông điệp gì, sẽ hành động ra sao ở
sau này. Lối viết này, một mặt tạo ra sự tò mò về những diễn biến tiếp theo của
bộ truyện (mà hệ quả là chúng ta sẽ móc hầu bao ra để mua những tập tiếp theo),
một mặt khác lại biến tác phẩm thành một tiểu thuyết khó hiểu bậc nhất hiện
nay. Và cùng với vấn đề về mặt thời lượng khi được chuyển thể, phiên bản anime
lại càng trở nên khó thấu hiểu hơn.
Oregairu tuy làm rất tốt ở mặt
nghe – nhìn, nhưng 12 tập anime cho 5 - 6 tập tiểu thuyết mỗi mùa là quá nhiều,
gần như các tình tiết không quá quan trọng sẽ bị lược bỏ, những tình tiết quan
trọng thì thường sẽ được rút ngắn ở mức tối đa. Khi so sánh lại nội dung gốc
trong phiên bản tiểu thuyết và nội dung ở trong anime thì tôi bất chợt nghĩ rằng
có khi ngay từ đầu anime này sinh ra chỉ để thu hút nhiều khán giả mới ( như
tôi ), tìm mua phiên bản tiểu thuyết để đọc, chứ không phải là để thổi vào một
tác phẩm đã có từ trước một luồng sinh khí mới, một hình thức nghệ thuật mới,
mà có thể khiến bộ phim trở thành 1 tác phẩm độc lập, được ngợi ca không khác
gì phiên bản gốc của nó, như cách mà Steins;gate đã làm vậy.
![]() |
Nhắc đến Steins;gate lại làm tôi nhớ đến Kurisu.. Và cả câu nói "El Psy Congroo" chết tiệt của Hououin Kyouma nữa.. |
3. SEASON 3 VÀ NHỮNG ĐIỀU ĐÁNG MONG CHỜ
Cũng chỉ còn vài ngày nữa là
season 3 của Oregairu sẽ chính thức phát sóng tập đầu tiên (mà cũng chính là lý
do tại sao bài viết này lại được ra đời ). Tôi thật sự có lý do để đặt kỳ vọng
của mình lên cao, nếu không muốn nói là rất cao vào phần cuối này: studio cũ tiếp
tục làm phần mới (nhìn qua PV thì cũng thấy chất lượng sẽ ít nhất tương đương với
mùa trước), khối lượng nội dung cần chuyển giờ chỉ còn là 3 tập tiểu thuyết, nhẹ
nhàng hơn rất nhiều so với những mùa trước đó, soundtrack từ PV mới cũng tạo ra
bầu không khí y hệt ngày nào. Nhưng nếu có bài học nào tôi học được trong suốt
vài năm trở lại đây thật sự có giá trị nhất, thì đó chính là việc không bao giờ
đặt kỳ vọng quá cao lên bất cứ điều gì, vì điều đó chẳng giúp gì cho cảm xúc của
bạn ngoại trừ khiến nó trở nên tiêu cực hơn mà thôi. Hãy ngồi xuống; thư giãn;
bật trình phát video lên; ngắm nghía từng khung hình; lắng nghe từng câu thoại,
từng bản soundtrack; tận hưởng những giờ phút cuối cùng của chuyến hành trình đầy
dẫy những sai lầm, nhưng tràn đầy cảm xúc của bộ 3 Hachiman, Yui và Yukino; trầm
mình suy tư với những ý nghĩa mà Wataru Watari muốn truyền tải thông qua những
chương cuối cùng của tác phẩm này. Và hãy luôn tin rằng:
![]() |
“Nếu phần phim này mà dở, chắc chắn sẽ có một cơn phẫn nộ chứa đầy text xuất hiện trên trang blog này”
Tái bút ( vẫn như mọi khi, tôi lúc
nào cũng tràn đầy phấn khởi khi viết những dòng này):
P/s 1: Bài viết này dài và thật sự tốn của tôi rất nhiều công sức để viết nó (may quá lịch của season 3 bị hoãn nên tôi vẫn kịp deadline). Tôi nghĩ rằng để đánh dấu việc quay trở lại cái deadblog này thì một bài viết như thế này là hợp lý (hình như đây là bài viết dài nhất tôi từng viết thì phải). Vẫn còn một số chỗ mà khi đọc lại tôi vẫn chưa thực sự thoả mãn (đặc biệt là ở phần 1, cảm giác nó không đúng với tinh thần "tản mạn" lắm mà tập trung vào chính truyện nhiều hơn), nhưng tôi nghĩ rằng nó là cái giá phải trả khi không thường xuyên viết blog.
P/s 2: Tôi nghĩ rằng tôi sẽ tự tạo cho mình một cái deadline, ít nhất là 1 blog 1 tháng hoặc 1 tháng rưỡi, không thì tôi sẽ tự tay chôn cái blog này xuống mất. Hi vọng là tạo deadline sẽ không dẫn tới việc chất lượng bài viết bị giảm sút đi.
P/s 3: Có một cách để chứng minh cho mọi người thấy ảnh
hưởng của Oregairu đối với tôi lớn như thế nào: đấy chính là tên của chính
trang blog này – Hikari, được lấy theo tên của nhà xuất bản đã mua bản quyền
Oregairu và phát hành tại Việt Nam dưới cái tên “Chuyện tình thanh xuân bi hài
của tôi quả nhiên là sai lầm”
Nhưng thực ra mà nói thì cái tên Hikari chỉ là cái tên được tôi được tôi dùng tạm để đặt cho trang web chứ cũng chẳng phải là do sự hâm mộ cuồng nhiệt hay gì cả. Đến bây giờ thì tôi cũng lười đặt tên quá nên vẫn cứ để tên web như thế vậy. |